Các thủ tục cưới hỏi trong văn hóa người Việt tương đối "phức tạp" và có không ít cặp đôi có những thắc mắc về cách tổ chức lễ ăn hỏi của mình sao cho toàn vẹn, đảm bảo giữ được đầy đủ những nét truyền thống nhưng lại không quá rườm rà. Hiểu được điều này, THO's Wedding mang tới cho các cặp đôi thông tin về trình tự lễ ăn hỏi truyền thống tại Việt Nam một cách thật dễ hiểu để các bạn có thể chuẩn bị lễ ăn hỏi một cách suôn sẻ, trơn tru.
Lễ ăn hỏi là gì?
Lễ ăn hỏi hay còn gọi là lễ đính hôn là một trong ba lễ chính theo nghi thức cưới hiện nay. Thời gian tổ chức lễ ăn hỏi cũng như lễ cưới thường sẽ được bố mẹ hai bên gia đình đi xem và chọn ngày đẹp. Thông thường, lễ ăn hỏi sẽ diễn ra trước lễ cưới từ 1 tuần đến 1 - 2 tháng, tuy nhiên trong thời gian gần đây, hình thức "ăn hỏi và đón dâu gộp" trong cùng 1 ngày đang ngày càng trở nên phổ biến.
Nói tóm gọn thì lễ ăn hỏi là sự thông báo chính thức về việc "hứa gả" giữa hai họ. Trong phong tục cưới ngày nay, lễ ăn hỏi sẽ được tổ chức đầu tiên, tại nhà gái. Nhà trai sẽ mang các bộ tráp chứa đựng lễ vật tới để "hỏi" cưới. Hai bên gia đình làm lễ trước bàn thờ gia tiên của nhà gái, xin cho cô được về nhà chồng, và cho chàng trai được trở thành con cháu trong gia đình nhà gái.
Cần chuẩn bị những gì cho lễ ăn hỏi?
Đối với nhà trai, một yếu tố chắc chắn không thể thiếu cho lễ ăn hỏi chính là lễ vật để "hỏi cưới". Việc chuẩn bị lễ vật không cần quá phức tạp nhưng phải đảm bảo đầy đủ, toàn vẹn, không được thiếu sót. Các lễ vật được chia ra thành các tráp lễ khác nhau theo nguyên tắc "trong chẵn ngoài lẻ". Số tráp lễ phải là số lẻ (5,7,9,11) - tượng trưng cho sự phát triển, sinh sôi nảy nở. Trong khi đó, số suất chia trong mỗi tráp lễ lại phải là số chẵn (50,100,120,...) - tượng trưng cho sự có đôi, có cặp. Còn số lượng tráp lễ và suất chia cụ thể trong mỗi tráp thì sẽ tùy thuộc vào khả năng kinh tế, nhu cầu tổ chức của mỗi gia đình.
Đối với nhà gái thì sẽ cần chuẩn bị tiệc trà hoặc tiệc mặn để đón tiếp nhà trai. Số mâm quả đám hỏi ở miền Bắc có thể là số lẻ với 3, 5, 7.... và là số chẵn ở miền Nam với 4, 6, 8... mâm.
Lễ ăn hỏi sẽ diễn ra theo trình tự như thế nào?
Sau các bước chuẩn bị, nhà trai sẽ mang lễ vật tới nhà gái, tùy theo phong tục riêng của từng vùng miền mà lễ ăn hỏi sẽ có những đặc trưng khác nhau nhưng nhìn chung, lễ ăn hỏi thông thường diễn ra theo trình tự như sau:
1. Nhà trai xuất phát đến nhà gái
Sau khi chuẩn bị đầy đủ lễ vật, đến ngày tổ chức ăn hỏi, nhà trai sẽ khởi hành đến nhà gái.
Để phòng trừ các trường hợp phát sinh, nhà trai nên tính giờ cẩn thận và xuất phát thật sớm để không bị lỡ mất giờ đẹp.
2. Hai gia đình chào hỏi và trao lễ vật
Khi đến giờ lành, đoàn đại diện nhà trai theo thứ tự từ cao đến thấp, từ già tới trẻ cùng với chú rể, đội bê tráp sẽ mang lễ vật tiến vào nhà gái. Cùng lúc đó, gia đình cô dâu sẽ ra chào đón nhà trai. Sau khi hai gia đình gặp mặt và chào hỏi, đội bê tráp nhà trai sẽ tiến hành trao lễ vật cho phía nhà gái, đồng thời tặng nhau những phong bao lì xì trả duyên.
Khi bê tráp gia chủ nên chú ý thứ tự bê tráp (tùy theo số lượng tráp). Cụ thể thứ tự từ trước ra sau là:
+ Đối với lễ ăn hỏi 5 – 7 tráp: Tráp cau – tráp rượu thuốc – tráp hoa quả/rồng phượng – các tráp cao (tráp bánh cốm, bánh phu thê, tráp trà, tráp hạt sen)
+ Đối với lễ ăn hỏi 9 – 11 tráp: Tráp cau – tráp rượu thuốc – tráp lợn sữa – tráp hoa quả/rồng phượng – tráp xôi – tráp bia/nước ngọt – các tráp cao (tráp bánh cốm, bánh phu thê, tráp trà, tráp hạt sen
3. Nhà trai và nhà gái cùng nhau trò chuyện
Sau khi hoàn tất trao quà, đại diện nhà trai và nhà gái sẽ cùng nhau ngồi trò chuyện và giới thiệu hai bên gia đình. Đại diện nhà trai sẽ giới thiệu trước, về lý do và mong muốn của họ. Đại diện nhà gái sau đó sẽ nói lời cảm ơn và cùng nhà trai mở lễ.
4. Cô dâu ra mắt gia đình nhà trai
Sau khi hoàn tất các bước trên, cô dâu sẽ được phép ra mắt hai họ, thông thường cô dâu sẽ tự bước ra hoặc cũng có khi chú rể sẽ tiến vào trong và đón cô dâu ra chào hỏi. Khi hai bên bước ra chào hỏi xong, cô dâu và chú rể tiến hành rót trà mời hai bên gia đình.
5. Thắp hương bàn thờ tổ tiên
Sau thời gian ra mắt và thưởng trà, mẹ cô dâu sẽ chọn một số lễ vật trong mâm ngũ quả để đem dâng lên bàn thờ gia tiên. Hai bên trai gái sẽ cùng nhau khấn gia tiên trước bàn thờ nhà gái để cầu cho tổ tiên chứng giám, phù hộ.
6. Hai nhà bàn bạc về lễ cưới
Nghi thức thắp hương ở bàn thờ gia tiên đã xong, hai gia đình sẽ ngồi cùng nhau bàn bạc về ngày, giờ lành để tiến hành lễ rước dâu, lễ cưới. Cô dâu chú rể sau khi mời nước các bậc cao niên thì có thể ra ngoài chụp hình cùng người thân, bạn bè.
7. Nhà gái lại quả và kết thúc buổi lễ
Để kết thúc buổi lễ ăn hỏi, nhà gái sẽ "lại quả" lễ vật cho nhà trai - tách một phần từ các tráp lễ để biếu lại cho nhà thông gia. Lưu ý là tất cả mọi lễ vật đều phải chia, tách bằng tay, tuyệt đối không dùng dao, kéo (mang điềm không tốt cho cuộc hôn nhân của đôi trẻ). Mâm quả khi được trả lại cho nhà trai phải để ngửa nắp. Ngày nay, các gia đình có thể chuẩn bị sẵn một tráp lại quả để thuận tiện hơn cho việc thực hiện nghi lễ.
Nhà trai sau khi nhận lại mâm lễ vật sẽ xin phép ra về, kết thúc lễ ăn hỏi. Tùy thuộc vào hai bên gia đình mà nhà gái có thể mời nhà trai ở lại dùng bữa cơm thân mật.
Lễ ăn hỏi cần trang trọng nhưng không rườm rà, thường chỉ mất 45 – 60 phút. Với quan niệm “đầu xuôi, đuôi lọt” truyền thống, việc thực hiện đúng trình tự lễ ăn hỏi là điều các đôi uyên ương cần chú ý để khởi đầu cho cuộc sống vợ chồng êm ấm.